Category: Chương trình học của bé

Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 11-2019 khối nhà trẻ
BÀI THƠ
CHIM HÓT

Tác giả: Phạm Hổ

Chim hót líu lo

Chào cô chào cô

Chim kêu ríu rít

Thích ! Thích ! Thích ! Thích

 

ĂN

Tác giả: Xuân Tửu

Rửa tay sạch

Mặc yếm vào

Bé đứng trước

Lớn đứng sau

Dắt tay nhau.

Ngồi vào ghế

Nhai thật kỹ

Nuốt cho ngon

Ăn hết cơm

Không rơi vãi.

 

CON VOI

Đồng dao

Con vỏi con voi

Cái vòi đi trước

Hai chân trước đi trước

Hai chân sau đi sau

Còn cái đuôi đi sau rốt

Tôi xin kể nốt

Cái chuyện con voi.

CHÚ GÀ CON

Tác giả:Nguyễn T.Cẩm Thạch

Mẹ mua cho bé

Mấy chú gà con

Đứng trên mâm tròn

Đua nhau mổ thóc

Tốc…tốc..tốc..tốc

Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 11-2019 khối chồi
Chồi 1
BÀN TAY CÔ GIÁO

Tác giả: Định Hải

Bàn tay cô giáo

Tết tóc cho em

Về nhà mẹ khen

Tay cô đến khéo

Bàn tay cô giáo

Vá áo cho em

Như tay chị cả

Như tay mẹ hiền

Cô cầm tay em

Nắn từng nét chữ

Em viết đẹp thêm

Thẳng đều trang vở.

EM YÊU NHÀ EM

Tác giả: Đoàn Thị Lam Luyến

Chẳng đâu bằng chính nhà em

Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo

Có nàng gà mái hoa mơ

Cục ta cục tác khi vùa đẻ xong

Có bà chuối mật lưng ong

Có ông ngô bắp râu hồng như tơ

Có ao muống với cá cờ

Em là chị Tấm đợi chờ bống lên

Có đầm ngào ngạt hương sen

Ếch con học nhạc dế mèn ngâm thơ

Dù đi xa thật là xa

Chẳng đâu vui được như nhà của em.

VÈ TRÁI CÂY

Lẳng lặng mà nghe

Tôi đọc bài vè

Trái cây bạn nhé

Ăn vào mát mẻ

Là trái thanh long

Xanh vỏ đỏ lòng

Là trái dưa hấu

Hình thù rất xấu

Là trái sầu riêng

Vàng đỏ xanh viền

Dưa gang thơm mát

Da sần đen hạt

Là trái mãng cầu

Cong giống móc câu

Chuối già chuối sứ.

Bé hát bài: CÔ GIÁO EM. Tác giả: Trần Kiết Tường

Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh. Cô rất yêu dòng kênh xanh, uốn quanh cánh đồng thơm mùi lúa mới.

Em yêu cô, em yêu ruộng đồng có đàn sáo bay. Cô vẫn dạy là quê hương em đó, suốt đời em yêu.

Gỏ tiết tấu chậm bài: BẮC KIM THANG

Bắc kim thang, cà lang bí rợ. Cột qua kèo là kèo qua cột. Chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi.

Con le le đánh trống thổi kèn, con bìm bịp thổi tò tí te, tò te.

Múa minh họa bài: MẸ YÊU KHÔNG NÀO.  Tác giả: Lê Xuân Thọ

Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không gọi mẹ biết đi đường nào.

Khi đi em hỏi, khi về em chào, miệng em chúm chím, mẹ yêu không nào.

 GIỌT NƯỚC TÍ XÍU ( Sưu tầm)

 

Tí Xíu là một giọt nước, quê ở biển cả. Họ hàng anh em nhà Tí Xíu đông lắm và ở khắp mọi nơi, ở biển cả, ở sông ngòi, ở ao hồ, ở trên trời, ở tất cả dưới mặt đất.

Một buổi sáng biển lặng, Tí Xíu cùng các bạn bè đuổi theo các ngọn sóng nhấp nhô. Ông Mặt Trời thả những tia nắng xuống mặt biển. Bọn Tí Xíu reo vui trong sóng nhẹ và trong ánh nắng chan hoà. Chợt có tiếng ông Mặt Trời cất lên:

–         Tí Xíu ơi ! Cháu có đi với ông không?

Tí Xíu ngẩng nhìn, chú đáp giọng rất khẽ, chỉ có ông Mặt Trời là nghe thấy:

–         Đi làm gì ạ ?

Ông Mặt Trời cười bảo:

–         Trên mặt đất thiếu gì việc, chổ nào chẳng cần.

Tí Xíu vui lắm. Nhưng sực nhớ mình là giọt nước không thể bay theo ông Mặt Trời được, chú nói:

      – Cháu nặng lắm, làm sao bay lên được

       – Không lo – ông Mặt Trời ồm ồm nói. Ông sẽ làm cháu biến thành hơi.

Nói rồi ông Mặt Trời vén mây, chiếu thật nhiều tia sáng xuống biển, Tí Xíu rùng mình và biến thành hơi. Chú chỉ kịp nói với biển cả:

–         Chào mẹ, con đi ! Mẹ chờ con trở về.

Tí Xíu nhập bọn với các bạn. Lúc đầu, chúng bay là là xuống biển rồi chúng hợp thành một đám mây mỏng rời mặt biển bay vào đất liền. Gió nhẹ nhàng đưa Tí Xíu lướt qua những dòng sông lấp lánh như ánh bạc. Xế chiều, ông Mặt Trời chiếu những tia nắng chói chang hơn lúc sáng. Không khí oi bức…Bỗng, từ đâu một cơn gió lạnh thổi tới. Tí Xíu reo lên:

–         Mát quá các bạn ơi ! Mát quá !

Tí Xíu và các bạn nhảy nhót, múa lượn vui thích. Nhưng rồi trời mỗi lúc một lạnh. Tí Xíu thấy rét. Các bạn của chú cũng thấy rét. Chúng xích lại gần nhau thành một khối đông đặc toàn những chú bé giọt nước nhỏ li ti. Bọn Tí Xíu không bay lên cao được nữa, chúng sà xuống thấp, thấp dần.

Một tia sáng vạch ngang bầu trời. Rồi một tiếng sét đinh tai vang lên. Gió thổi mạnh hơn. Bọn Tí Xíu níu lấy nhau thành những giọt nước trong vắt. Chúng thi nhau ào ào tuôn xuống đất…Cơn giông bắt đầu.

BÉ HÀNH ĐI KHÁM BỆNH (Sưu tầm)

             

              Mấy hôm nay trời trở lạnh, bé Hành không chịu quàng khăn và mặc áo ấm nên bị ho.

Bé Hành quyết định đi khám bệnh. Đến phòng khám, bé Hành gặp bạn Ngô, bạn Su Hào và bạn Cà Rốt cũng bị ho như bé. Vì bé Hành nhỏ nhất nên được bác sỹ Bắp Cải gọi vào khám trước tiên. Bác sỹ vừa đọc cuốn sổ khám bệnh, vừa nói với bé Hành:

–         Cháu hãy cởi bớt áo ra để bác sỹ khám bệnh nào!

Bé Hành ngoan ngoãn làm theo lời bác sỹ. Và khi bác sỹ Bắp Cải quay ra nhìn bé Hành thì……

–         Ối, mắt tôi làm sao thế này? – Bác sỹ kêu lên.

Bé Hành vẫn lần lượt cởi một chiếc áo, hai chiếc áo….rồi bước lại gần bác sỹ. Lúc này bác sỹ Bắp Cải phải dụi mắt liên tục và chỉ dám hé mắt nhìn bé Hành. Bé Hành tưởng bác sỹ bị ốm vội rót cốc nước mời bác sỹ uống. Nhưng bé Hành càng tiến lại gần thì nước mắt bác sỹ càng trào ra nhiều hơn. Bác sỹ lấy hai tay bịt chặt mắt lại.

Bé Hành vẫn ngơ ngác nhìn bác sỹ. Bác sỹ xua tay nói:

–         Cháu ơi, cháu hãy đứng xa bác một chút đi!

Bé Hành đứng lùi ra gần cửa. Một lát sau, bác sỹ Bắp Cải mới dám hé mắt nhìn bé Hành. Và thế là bác sỹ đành phải khám bệnh cho bé Hành từ xa.

          Bé có biết vì sao bác sỹ không dám đứng gần bé Hành không?

 
Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 11-2019 khối mầm
Mầm 1
BÉ ĐẾN LỚP

Tác giả: Sưu tầm

Hôm nay đến lớp

Lòng bé rộn rang

Bước theo chân mẹ

Trên con đường làng

 

Nắng vàng theo bé

Vào lớp mầm non

Nắng nghe bé hát

Nắng bảo: “Bé ngoan”.

SÁO HỌC NÓI

Tác giả: Mai Ngọc Uyển

Một hôm cô giáo

Đến nhà bé chơi

Sáo nghe bé mời

– Mời cô xơi nước!

Sáo liền bắt chước

Chú bộ đội qua

Sáo mừng bay ra

– “Mời cô…Xơi nước”.

 
Bé hát bài: CÔ VÀ MẸ . Tác giả: Phạm Tuyên
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền.Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô, ấy hai mẹ hiền.
Nghe hát: CÔ GIÁO EM. Tác giả: Trần Kiết Tường

Cô giáo em người xinh xinh, cô hay cười mắt cô long lanh. Cô rất yêu dòng kênh xanh, uốn quanh cánh đồng thơm mùi lúa mới.

Em yêu cô, em yêu ruộng đồng có đàn sáo bay. Cô vẫn dạy là quê hương em đó, suốt đời em yêu.

Múa minh họa bài: MÚA CHO MẸ XEM.  Tác giả: Xuân Giao

Hai bàn tay của em đây em múa cho mẹ xem.Hai bàn tay của em như hai con bướm xinh xinh.

Khi em giơ tay lên là bướm xinh bay múa.Khi em đưa tay xuống con bướm đậu trên cành hồng.

GẤU CON BỊ ĐAU RĂNG( Sưu tầm)
        Trong rừng có một chú Gấu con rất thích của ngọt. Mật ong, bánh gatô, các loại kẹo, chú ăn bao nhiêu cũng chẳng chán. Gấu con nhai kẹo suốt ngày. Nhiều hôm đi ngủ rồi mồm vẫn còn ngậm kẹo.Một hôm, răng Gấu con đau nhức. Nó ôm mặt khóc tu tu. Bao nhiêu bánh kẹo thơm ngon nhưng vì đau răng nên chẳng nhấm nháp được tí nào. Ở lớp học, cô giáo Sơn Dương luôn căn dặn học sinh:

– Sau khi ăn phải đánh răng, nhất là sau khi ăn đồ ăn ngọt!

Nhưng Gấu con chẳng chịu nghe lời. Nó bảo:

– Đánh răng trôi mất vị ngọt thì tiếc lắm!

Mẹ đưa Gấu con đến bệnh viện, bác sĩ Voi nói ngay:

– Răng cháu bị sâu hết cả rồi!

Gấu con ngạc nhiên nói:

– Cháu có ăn sâu bọ bao giờ đâu mà sâu lại cắn vào răng cháu?

Bác sĩ Voi cười phá lên giải thích:

– Cậu bé ngốc ơi! Đó là do thức ăn, nhất là các loại bánh kẹo bám vào răng, không được đánh rửa sạch, lâu ngày sẽ biến thành “sâu” đục thủng chân răng, làm răng đau nhức và có thể bị gãy hoặc lung lay. Chắc chắn ăn nhiều đồ ngọt xong, cháu không chịu đánh răng chứ gì?

Gấu con cúi đầu khẽ vâng.

Bác sĩ Voi ân cần chữa răng cho Gấu con và dặn:

– Từ nay về sau, cháu phải đánh răng buổi sớm khi mới ngủ dậy, sau các bữa ăn, và trước khi đi ngủ. Có thế mới giữ được những chiếc răng còn lại.

Gấu con sung sướng đáp:

– Vậng ạ!

BA CHÚ HEO CON (Sưu tầm)

 

Lợn mẹ sinh được ba chú Lợn con rất đáng yêu. Bốn mẹ con cùng chung sống vô cùng vui vẻ và hạnh phúc.

Nhưng một hôm, Lợn mẹ nói với ba chú Lợn con:

Các con của mẹ đều lớn rồi, đã đến lúc nên tự xây cho mình một căn nhà và ra ở riêng đi thôi.

Vậy là ba chú Lợn con cùng chào tạm biệt mẹ để ra ở riêng.

Trong ba anh em Lợn con, anh cả là người lười biếng nhất, lúc nào cũng chỉ muốn mau chóng xây xong nhà để có thể lăn ra ngủ một giấc ngon lành mà thôi. Thế nên anh cả kéo về một xe đầy cỏ khô, chẳng mấy chốc đã dựng xong một túp lều bằng cỏ. Anh thứ hai lại là một chú lợn rất tham ăn, chú chỉ muốn xây nhà thật nhanh để ngày nào cũng được nấu những món ăn ngon cho mình. Thế là, anh hai vào rừng và chặt vài cây gỗ đem về, chỉ mất ba ngày đã dựng xong một ngôi nhà bằng gỗ. Riêng Lợn út vừa thông minh vừa nhanh nhẹn, lại khéo léo, chú muốn xây một ngôi nhà thật kiên cố và đẹp đẽ. Chú đã đến một nơi rất xa để kéo gạch về xây nhà, từng xe từng xe một, phải mất một tháng, chú mới xây xong ngôi nhà của riêng mình và đó là một căn nhà gạch đỏ tươi rất vững chắc.

Một hôm, một con Sói xám đang đói ngấu nghiến tìm đến trước túp lều cỏ của Lợn anh cả. Sói xám hít một hơi thật sâu và thổi “phù…” một cái, túp lều bằng cỏ đã bay đi đằng nào. Lợn anh cả sợ quá, vội vàng chạy đến trốn ở nhà Lợn anh hai.

Sói xám lại đuổi theo tới trước ngôi nhà làm bằng gỗ của Lợn anh hai, nó lấy đà và dùng đầu xô một cái thật mạnh vào căn nhà gỗ, thế là căn nhà bị đổ nghiêng sang một bên. Hai chú Lợn sợ quá, liền chạy đến trốn ở nhà Lợn út.

Sói xám lại đuổi tới nhà của Lợn út, nó cũng hít một hơi thật sâu và thổi thật mạnh, nhưng căn nhà vẫn đứng yên. Nó lại dùng đầu húc mạnh vào tường nhưng căn nhà vẫn không hề suy chuyển, ngược lại đầu Sói xám còn bị sưng lên đau đớn. Sói xám nhìn thấy trên nóc nhà có một cái ống khói, nó bèn nảy ra ý định vào nhà bằng đường ống khói. Nhưng ba chú Lợn con đã chuẩn bị trước rồi, các chú đã đun một nồi nước sôi dưới chân ống khói, đợi Sói xám tự chui xuống. Kết quả là Sói xám rơi trúng vào nồi nước sôi và bị chết bỏng

Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 11-2019 khối lá
LÁ 1
NHỚ CÔ GIÁO TRƯỜNG CŨ

Sưu tầm

Bao năm lên phố, xa làng

Nhớ con bướm trắng hoa vàng lối quê

Nhớ bài tập đọc a ê

Thương cô giáo cũ mơ về tuổi thơ

Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ

Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em.

Vở ngày thơ ấu lần xem

Tình cô như mẹ biết đem sánh gì.

Tờ i nguệch ngoạc bút chì

Thấm màu mực đỏ điểm ghi bên lề

Thương trường cũ, nhớ làng quê

Mơ sao được một ngày về thăm Cô!

ĐỒNG DAO

Nu na, nu nống

Cỏ bống kho khụ

Cá rô đánh vẩy

Tôm tép đang nhảy

Rang ăn rất ngon

Cỏ chộp cả con

Bỏ lũ thật tuyệt

Nhưng làm vỡ mật

Thỡ cú trời ăn

Lươn nấu chuối xanh

Chẳng tanh tý nào

Cá mực đem xào

Xin đừng cho nước

Cá quả luộc trước

Gỡ nạc nấu canh

Đám cá mè ranh

Làm gỡ cũng dở

 
Bé hát bài: TRƯỜNG MẦM NON CỦA BÉ . Tác giả: Sông Trà.

Trường là trường mầm non, bé là bé rất ngoan , bé vâng lời cô giáo bé yêu thương bạn bè.

Trường là trường mầm non, bé là bé lớn khôn, biết yêu trường yêu lớp, biết thương cô nhiều hơn.

Gỏ tiết tấu chậm bài: EM ĐI CHƠI THUYỀN . Tác giả: Trần Kiết Tường

Em đi chơi thuyền, trong Thảo Cầm Viên, chim kêu hót mừng chào đón xuân về. Thuyền em thuyền con vịt, nó bơi bơi bơi. Thuyền em thuyền con rồng, nó bay bay bay, má dặn em ngồi yên khi đi chơi thuyền, vui quá bạn ơi, mai em vào em đi xe hơi.

Nghe hát bài: NHỚ ƠN THẦY CÔ.  Tác giả: Nguyễn Ngọc Thiện
 TẠI SAO VỊT KÊU  “CẠC! CẠC!..” ( Sưu tầm)

           Ngày xưa, Vịt có giọng hát rất hay. Mỗi khi Vịt cất tiếng hát là ai cũng lắng nghe. Những ca sĩ tài hoa như Họa Mi và Sơn Ca cũng phải thán phục giọng hát của Vịt.

Tuy vậy, Vịt lại có tính tham ăn. Một hôm, các loài vật tổ chức buổi liên hoan, Vịt hào hứng hát tặng các bạn năm bài liền. Nội dung bài hát nào cũng hay, lại được thể hiện bằng giọng ca truyền cảm nên mỗi lần Vịt hát xong một bài, các bạn lại vỗ tay tán thưởng. Anh Trống Hoa có cái mào đỏ chót vỗ cánh phành phạch, rướn cao cổ:

        – Ò…ó…o…o… Hát nữa đi!

Vịt cao hứng hát thêm hai bài nữa. Sau đó, Vịt xoa xoa bụng, nghiêng nghiêng đầu bảo với mọi người:

       – Tôi còn muốn hát nhiều bài nữa, nhưng bụng đói rồi…

Anh Ngan vội dọn ra một mâm cỗ thịnh soạn. Vịt chẳng mời ai mà chỉ ngồi ăn một mình, nhai thức ăn nhồm nhoàm, ngấu nghiến. Trống Choai và Hoa Mơ đều nói:

      – Trông Vịt ăn xấu quá!…

Bỗng Vịt hét toáng lên:

      – … Ối…ối!…

Tất cả đổ dồn mắt về phía Vịt. Lúc này, mặt Vịt đỏ bừng bừng, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng. Thấy thế, các bạn vội chạy đến hỏi:

      – Bạn Vịt sao thế?

Vịt rướn cổ, há mỏ định trả lời nhưng tiếng Vịt bị chặn lại ở cuống họng. Vịt “hấc…hấc…” đứt quãng:

       – Tớ … bị … hóc … xương cá… Tớ … đau … quá!…

Vịt thọc đầu cánh vào mồm định lôi cái xương cá ra nhưng không sao lấy được. Trông Vịt thật khổ sở, mồ hôi tuôn ra đầm đìa, cái đầu ngọ nguậy, đôi chân giậm giậm. Cuối cùng, Vịt phải há to mồm để khạc.

Vịt “khạc” liên tục và tiếng to dần. Lúc sau, tiếng “khạc” ấy khản đặc lại, nghe không rõ, rồi chuyển thành những tiếng: “Cạc…cạc…”.

          Từ đó, Vịt bị mất giọng hát hay, ngay cả đến tiếng nói trong trẻo bình thường cũng không còn nữa. Vịt chỉ còn lại mỗi một giọng khàn khàn “cạc…cạc…” mà thôi.

Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 05-2019 khối lá
MÙA HÈ CỦA EM

Sưu tầm

Gió thổi qua tà áo

Thì có làm sao đâu
Nó chạy chơi đấy mà
Là cơn gió mùa hè
Nấp trong tà áo em.
Mưa rơi trên mái tóc

Thì có làm sao đâu
Nó đùa vui đấy mà
Là giọt mưa mùa hè
Rúc vào trong tóc em.
Dép em cát đong đầy
Thì có làm sao đâu
Chỉ cần em nghiêng dép

Là cát như dòng nước
Chạy ào qua chân em.

 

Nhà tôi có một cây cau

Nó cao bằng bốn bằng năm đầu người

Lá thì dài rộng thảnh thơi

Thân thì mạnh mẽ một nơi vững vàng

Trải bao hạ lại thu sang

Mà cau vẫn đứng nghênh ngang giữa trời.

Một chiều tôi lại gốc chơi

Thấy đôi chim sẻ đậu rồi lại bay

Vội vàng tôi lánh núp ngay

Chim kia đã đậu ngọn cây chuyện trò

Vợ chồng tiếng nhỏ tiếng to

“Ở đây làm tổ chẳng lo ngại gì”

Hát: LỚN LÊN CHÁU LÁI MÁY CÀY– Tác giả: Kim Hưng

Cháu xem cày máy, cày thay con trâu.
Đường cày đã sâu, lại nhanh mà không mệt nhọc.
Mùa về lắm thóc, hạt thóc phơi đầy sân.
Ơi! chú công nhân, cháu yêu chú lắm.
Cháu xem cày máy, cày thay con trâu.
Đường cày đã sâu, lại nhanh mà không mệt nhọc.
Mùa về lắm thóc, hợp tác phơi vàng sân.
Yêu mến quê hương. Lớn lên cháu lái máy cày.

                                               CÂY KHẾ (sưu tầm)

               Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em kia tuy cha mẹ mất nhưng họ vẫn ở chung một nhà. Chẳng bao lâu sau người anh lấy vợ. Vợ chồng người anh không muốn ở chung với em nữa, nên quyết định chia gia tài. Người anh tham lam chiếm hết nhà cửa, mộng vườn, trâu bò mà cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn có cây khế ngọt. Vợ chồng người em không chút phàn nàn, vui vẻ chuyển sang ở túp lều. Ngày ngày, hai vợ chồng chăm bón cho cây khế và cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.

Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường, cành nào cũng trĩu quả ngọt, vàng ươm. Vợ chồng người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi mừng thầm, tính chuyện bán cây khế lấy tiền đong gạo.

           Một hôm, có chim phượng hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế người em ra ngồi dưới gốc cây vừa khóc vừa nói:

– Chim ơi, nhà tôi chỉ có một cây khế này thôi, tôi định bán khế lấy tiền đong gạo. Chim ăn hết thì vợ chồng tôi sống bằng gì?

Chim vừa ăn vừa đáp: – Ăn một quả, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang ra mà đựng.

Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để cho chim ăn. Mấy hôm sau chim lại tới ăn khế. Ăn xong chim bảo người em vào lấy túi ba gang đi lấy vàng. Chim đậu xuống đất xoè cánh đỡ người em lên lưng rồi bay vút lên trời. Chim bay mãi, bay mãi, qua núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo ngắm nhìn thoả thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim phượng hoàng bảo lấy thêm, người em cũng không lấy. Xong xuôi, chim lại đưa người em trở về nhà.

Từ đó người em trở nên giàu có. Vợ chồng người em đem thóc gạo, vàng bạc ra giúp đỡ những người nghèo khổ.

Vợ chồng người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi để dò hỏi. Biết em được chim phượng hoàng đưa đi lấy vàng, vợ chồng người anh đòi đổi nhà và ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt của em. Vợ chồng người em cũng vui vẻ đổi cho anh. Thế là vợ chồng người anh chuyển sang ở nhà của em. Mùa hè năm sau, cây khế lại sai trĩu quả. Chim phượng hoàng lại tới ăn khế. Người anh cũng giả vờ khóc và đuổi chim. Chim bèn nói: – Ăn một quả, trả một cục vàng May túi ba gang, mang ra mà đựng.

Người anh mừng quá, giục vợ may túi sáu gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim phượng hoàng đến ăn khế rồi đưa người anh đi lấy vàng. Vừa đến nơi, người anh đã vội vàng vơ đầy túi sáu gang, lại còn giắt thêm đầy vàng vào người. Mãi đến chiều tối, người anh mới chịu ra về. Chim cố sức bay nhưng đường thì xa, vàng thì nhiều nên nặng quá, chim lảo đảo mấy lần suýt nhào xuống biển. Chim phượng hoàng bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh tiếc của cứ ôm khư khư. Chim phượng hoàng bực tức, nó nghiêng cánh hắt người anh tham lam xuống biển cùng với túi vàng của anh ta.  

Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 05-2019 khối chồi
HOA PHƯỢNG

Tác giả: Lê Tuy Hòa

Hôm qua còn lấm tấm
Chen lẫn màu lá xanh
Sang nay bừng lửa thẫm
Rừng rực cháy trên cành
Bà ơi sao mà nhanh
Phượng mở nghìn mắt lửa
Cả dãy phố nhà mình
Một trời hoa phượn đỏ
Hay đêm qua không ngủ
Chị gió quạt cho cây
Hay mặt trời ủ lửa
Cho hoa bừng hôm nay.

BÁC HỒ CỦA EM

Tác giả: Phan Thị Thanh Nhàn

Khi em ra đời
Đã không còn Bác
Chỉ còn tiếng hát
Chỉ còn lời ca
Chỉ còn câu chuyện
Chỉ còn bài thơ
Mà em vẫn thấy

Bác sao rất gần
Năm điều Bác dạy

Mãi còn ngân vang.

ÔNG SẢO ÔNG SAO

Ông sảo ông sao 
Ông vào cửa sổ 
Ông ở với tôi 
Ông ngồi lên chiếu 
Tôi biếu củ khoai 
Ông nhai nhóp nhép

Cái tôm cái tép 
Ông ghép với rau 
Ăn mau chóng nậy 
Ông ngồi dậy 
Ông về trời

Hát:  CHO TÔI ĐI LÀM MƯA VỚI-  Tác giả: Hoàng Hà

Cho tôi đi làm mưa với. Chị gió ơi chị gió ơi! 
Tôi muốn cây được xanh lá. Hoa lá được tốt tươi. 
Cho tôi đi làm mưa với. Chị gió ơi chị gió ơi! 
Làm hạt mưa giúp cho đời. Không phí hoài rong chơi.

Nghe làn điệu dân ca Trung Bộ: LÝ QUA ĐÈO

Chiều chiều dắt mạ qua đèo. Chim kêu chừ bên nớ. 
À ơi, chim kêu bên nớ vượn trèo bên ni 
Chiều chiều dắt mẹ, dắt mẹ tà là đèo qua đèo.Tà là đèo qua đèo 
Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ 
Ủy – oả – chi rứa – chi rứa. Ơi hỡi vượn trèo, 
Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia .Ơi hỡi vượn trèo tà là kia bên kia.

CHÚ THỎ TINH KHÔN (sưu tầm)

 

          Có một lần, Thỏ đến bên bờ sông bứt ngọn cỏ non nhai ngốn ngấu. Cá Sấu ở gần đó, nằm im giả như không nhìn thấy. Thỏ yên trí ăn rau. Cá Sấu liền giả bộ hiền lành từ từ bò đến bên Thỏ, rồi đột nhiên đớp gọn Thỏ vào mồm.

          Cá Sấu kêu lên : “Hu ! Hu” ở trong họng cốt làm cho Thỏ sợ. Thỏ đã nằm gọn trong hàm cá Sấu. Thỏ sợ quá nhưng vẫn bình tĩnh tìm kế thoát thân.

          Thỏ nói : – Bác Cá Sấu ơi, bác kêu “hu ! hu” tôi chẳng sợ đâu. Bác mà kêu “Ha ! Ha !” thì tôi sẽ sợ chết khiếp đi mất.

          Nghe Thỏ nói thế, Cá Sấu liền há to mồm kêu lên “Ha ! Ha !” Thỏ nhảy phốc khỏi miệng Cá Sấu rồi quay lại cười nhạo và chạy biến vào rừng.

CÂY RAU CỦA THỎ ÚT

         Mùa thu đã qua, mùa đông đã tới. Thỏ Mẹ dẫn các con ra vườn và bảo: – Các con ạ, bây giờ là vụ rau rồi, mẹ sẽ dạy các con trồng củ cải nhé.
Ba anh em Thỏ ríu rít trả lời: – Thưa mẹ, vâng ạ!
Bốn mẹ con quây quần bên luống đất, mẹ bắt đầu giảng: – Muốn trồng rau, người ta phải làm đất, rồi gieo hạt…
Nhưng mới nghe mẹ nói vậy, thỏ Út đã nghĩ thầm: “Thế thì mình cũng biết rồi” và không chú ý nghe mẹ nói nữa. Chú ngồi đấy nhưng còn mải nhìn theo con bươm bướm ngoài vườn nên chẳng biết mẹ còn dặn điều gì nữa.
Mẹ giảng xong, ba anh em bắt đầu làm việc, mỗi người phải trồng một luống rau nho nhỏ. Hai anh của thỏ Út cặm cụi cuốc đất, đập đất cho nhỏ tơi ra rồi mới gieo hạt, còn Thỏ Út thì chỉ làm qua quýt rồi nhảy đi chơi.
           Ít ngày sau, hạt giống nảy mầm. Những cây rau bé li ti hiện ra. Hai luống rau của các anh cây mọc đều, trông như những chiếc khăn màu xanh tươi phủ lên mặt đất, còn luống rau của thỏ Út thì cây mọc thưa thớt, cây cao, cây thấp. Thế nhưng thỏ Út vẫn mải chơi chẳng chịu chăm bón gì cả.
Tới vụ thu hoạch, cây rau nào của các anh lá cũng to, củ cũng to, còn những cây rau của thỏ Út thì cằn cỗi vì thiếu nước, củ bé tí tẹo. Thỏ Út xấu hổ quá, biết nói sao với mẹ bây giờ?
Thấy vậy, thỏ Mẹ bảo: – Nếu con chú ý nghe lời mẹ và chăm sóc vườn rau thì rau của con sẽ tươi tốt đúng không?
Sau vụ ấy, thỏ Út hỏi lại mẹ cách làm đất, trồng rau, vun luống, gieo hạt rồi bắt đầu trồng lại luống rau khác.
Đúng như lời mẹ đã nói: “Phải biết cách trồng và chăm sóc tưới bón”. Lần này, rau của thỏ Út lớn rất nhanh. Đến vụ thu hoạch, thỏ Út chở về nhà những cây rau lá xanh non.
      Thỏ Út rất vui. Mẹ thỏ còn vui hơn vì thấy thỏ Út đã biết chăm chỉ và chịu khó làm việc.

                                                                                                                                                                   Sưu tầm

Nội dung thơ – truyện – bài hát tháng 05-2019 khối mầm
Mầm 1
ĐI NẮNG

Tác giả: Nhược Thủy

Có con chim chích

Nó đậu cành xoan

Nó kêu ai ngoan

Thì nghe lời nó

Đi nắng phải có

Nón mũ mà che

Hễ ai không nghe

Thì chim không thích.

 

CÔ DẠY

Tác giả: Phạm Hổ

Mẹ mẹ ơi cô dạy

Phải giữ sạch đôi tay

Bàn tay mà dây bẩn

Sách áo cũng bẩn ngay

Mẹ, mẹ ơi cô dạy

Cãi nhau là không vui

Cái miệng nó xinh thế

Chỉ nói điều hay thôi.

 

Bé hát bài: MẸ ĐI VẮNG.  –  Tác giả: Trịnh Công Sơn
Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng. Con sang chơi nhà bạn, í a
Con cầm cây đàn con hát. Con cầm cây đàn con hát
Hát cho mẹ về với con. Hát cho mẹ về với con.
Vận động theo nhạc : TRỜI NẮNG TRỜI MƯA. – Tác giả: Đặng Nhất Mai.

Trời nắng trời nắng,  thỏ đi tắm nắng

Vươn vai vươn vai, thỏ rung đôi tai

Nhảy tới nhảy tới đùa trong nắng mới

Bên nhau bên nhau bên nhau ta cùng chơi

Mưa to rồi, mưa to rồi, mau mau về nhà thôi.

CHÚ ĐỖ CON ( Sưu tầm)

         Một chú Đỗ con ngủ khì trong cái chum khô ráo và tối om suốt một năm. Một hôm tỉnh dậy chú thấy mình nằm giữa những hạt đất li ti xôm xốp. Chợt có tiếng lộp độp bên ngoài. – Ai đó ?

– Cô đây. Thì ra cô Mưa Xuân, đem nước đến cho Đỗ con được tắm mát, chú lại ngủ khì.

Có tiếng sáo vi vu trên mặt đất làm chú tỉnh giấc. Chú khẽ cựa mình hỏi : – Ai đó ?

    Tiếng thì thầm trả lời chú : “Chị đây mà, chị là Gió Xuân đây. Dậy đi em, mùa xuân đẹp lắm”. Đỗ con lại cựa mình. Chú thấy mình lớn phổng lên làm nức cả chiếc áo ngoài.

Chị Gió Xuân bay đi. Có những tia nắng ấm ấp khẽ lay chú Đỗ con. Đỗ con hỏi : – Ai đó ?

    Một giọng nói ồm ồm, âm ấm vang lên :

– Bác đây ! Bác là Mặt trời đây, cháu dậy đi thôi, sáng lắm rồi. Các cậu học trò cắp sách tới trường rồi đấy.

 Đỗ con rụt rè nói : – Nhưng mà trên đấy lạnh lắm.

    Bác Mặt trời khuyên :

– Cháu cứ vùng dậy đi nào. Bác sẽ sưởi ấm cho cháu, cựa mạnh vào.

    Đỗ con vươn vai một cái thật mạnh. Chú trồi lên khỏi mặt đất. Mặt đất sáng bừng ánh nắng xuân. Đỗ con xoè hai cánh tay nhỏ xíu hướng về phía mặt trời ấm áp

MÈO CON ĐÁNH RĂNG (Sưu tầm)

 

        Bác Lợn mới mở cửa hàng bán bàn chải đánh răng, trước cửa có treo một biển quảng cáo rất to: “Bàn chải đánh răng chất lượng hạng nhất, một lần sạch ngay”

Nhìn kìa, chú Voi đã đến. Bác Lợn khiêng ra một bàn chải to nhất đưa cho chú Voi. Chú Voi cảm ơn bác Lợn vui vẻ ra về. Mèo con cũng muốn mua một bàn chải to, Bác Lợn nói: “Miệng cháu nhỏ, mua bàn chải nhỏ đánh răng mới sạch!” Mèo con vừa về đến nhà là đánh răng luôn, đánh mãi đến nỗi chảy cả máu răng. Chú sợ quá vội vàng đi tìm Bác Lợn: “Bác Lợn ơi, bàn chải của Bác không tốt”. Bác Lợn nói: “Đó là vì cách đánh răng của cháu không đúng”. Bác gọi lợn con ra và bảo: “Con hãy dạy Mèo Con đánh răng đi”. À hóa ra là như thế này: Răng trên đánh từ trên xuống, răng dưới lại phải đánh từ dưới lên trên, mặt răng hàm phải đánh đi, đánh lại, bên trong, bên ngoài đều phải đánh. Mèo con xem hết lần này đến lần khác: “Tôi biết rồi”. Về đến nhà chú lại tiếp tục đánh răng… ấy làm sao mà đánh mãi không ra bọt trắng nhỉ?

Mèo con lại chạy đi tìm bác Lợn: “Bàn chải của bác không tốt, đánh mãi không ra bọt” Bác Lợn cười nói: “Vì cháu không dùng kem đánh răng”. “Đúng rồi, cháu quên mất!” Mèo Con lè lưỡi ra ngượng ngùng, rồi chú mua luôn một tuýp thuốc đánh răng. Mèo Con dùng kem đánh răng nhưng không thấy bọt đâu cả. “Ha! Ha! Đồ ngốc!” chú Voi dùng vòi của mình phun nước vào mồm Mèo Con. “A có bọt rồi, bọt càng ngày càng nhiều”. Mèo Con càng đánh càng thích. Từ đó, mỗi khi bác Gà Trống gáy “ò, ó, o” thì Mèo Con lập tức dậy đánh răng.

           Nhưng một vài ngày sau, Mèo con đột nhiên bị đau răng, mắt cũng sưng vù lên. Chú tức giận chạy đến tìm Bác Lợn: “Bàn chải của Bác chẳng tốt tẹo nào”. Bác Lợn thấy răng của Mèo Con bị sâu rồi, tại sao thế nhỉ? Bác Lợn gãi gãi đầu: “Bác biết rồi mỗi tối cháu thường bắt chuột phải không” “Vâng ạ!” Mèo Con gật đầu. “Cháu ăn chuột xong có đánh răng không?” Bác Lợn lại hỏi. “Không ạ”. Ấy, ăn gì trước khi đi ngủ cũng phải đánh răng, nếu không răng sẽ sâu” “Hóa ra là chuyện đó”. Sau khi Mèo con chữa răng xong, bữa tối sau khi ăn chuột, chú đều đánh răng sạch sẽ rồi mới đi ngủ. Từ đó về sau, răng của Mèo Con lúc nào cũng tốt.

Chương trình giáo dục các khối nhà trẻ 05.2019
Chương trình giáo dục các khối nhà trẻ 05.2019
Nội dung giáo dục 12 – 18 tháng tuổi
 

Vận động

– Ngồi lăn bóng lên phía trước

– Bò qua vật cản

– Tung, hất bóng xa

 

Hoạt động với đồ vật

– Xâu 4 vòng vào que

– Lồng 3 hộp

 

Nhận biết về thế giới xung quanh bé

– Đồ chơi màu đỏ

– Đồ chơi màu xanh

 

Làm quen văn học

– Đọc thơ: Con cua
 

Tập nghe, nói, làm theo cô

– Gọi tên (nhắc lại theo cô) các đồ vật gần gũi

– Tập trả lời câu hỏi Ai đây? Cái gì? Con gì?

 

Làm quen âm nhạc

– Nghe cô hát: Cháu yêu bà

– Hát với cô: Em búp bê

– Nghe hát: Mẹ yêu không nào

 

Làm quen tạo hình

 

Chương trình giáo dục các khối mẫu giáo 05.2019
Chương trình giáo dục các khối mẫu giáo 05.2019
Nội dung giáo dục 3 – 4 tuổi (Mầm)
 

Vận động

– Ném xa bằng 1 tay – Chạy 10 m
 

Kỹ năng sống

– Kỹ năng an toàn: Không đi theo người lạ

– Tập làm món ăn bổ dưỡng (bánh mì sandwich)

 

 

 

Làm quen với toán

– So sánh chiều dài 2 đối tượng ( dài hơn, ngắn hơn)

– Nhận biết trên – dưới; trước – sau

Nhận thức về thế giới xung quanh  
 

Thí nghiệm khoa học

– Thí nghiệm: sự phát triển của cây giá đỗ.
 

 

 

 

Làm quen văn học

– Nghe, hứng thú, trả lời câu hỏi chuyện “Chú đỗ con”

– Tập kể một vài tình tiết câu chuyện “Chú đỗ con”

Tập sử dụng từ ngữ. Làm quen chữ viết. Làm quen một số kí hiệu thông thường.  
 

 

Làm quen âm nhạc

– Vận động đơn giản theo bài hát “ Trời nắng, trời mưa”

– Hát thuộc, đúng giai điệu bài “Mẹ đi vắng”

 

Làm quen tạo hình

– Vẽ ô tô ( nét thẳng, nét ngang, nét cong)

– Vẽ ngôi nhà của bé

– Cắt tua giấy

NỘI DUNG THƠ – TRUYỆN – BÀI HÁT THÁNG 01-2019 KHỐI LÁ
NỘI DUNG THƠ – TRUYỆN – BÀI HÁT THÁNG 01-2019 KHỐI Lá
Lá 1
CHÚC TẾT

Năm hết tết đến
Bé chúc cả nhà
Cha mẹ, ông bà
Dồi dào, sức khỏe
Chúc anh, chúc chị
Mọi điều như ý
Học hành chăm chỉ
Hoan hỉ cả năm
Bé chúc mọi người
Đầy ắp tiếng cười
Tràn ngập tình thương
An khang thịnh vượng.

VÈ CÁC LOÀI VẬT

Ve vẻ vè ve. Cái vè loài vật

Trên lưng cõng gạch. Là họ nhà cua.

Nghiến răng gọi mưa. Đúng là cụ cóc

Thích ngồi cắt chắt.Chuột nhắt chuột đàn

Giăng lưới dọc ngang. Anh em nhà nhện

Đội kiểu tóc bện.Vợ chồng nhà sam

Rền rĩ kéo đàn.Chính là anh dế

Suốt đời chậm trễ. Là chị ốc sên

Đêm thắp đèn lên. Là cô đôm đóm

Giúp người dậy sớm. Chú gà trống choai

Đánh hơi rất tài. Anh em chú chó

Mặt hay nhăn nhó. Là khỉ trên rừng

Đồng thanh hát cùng. Ve sầu mùa hạ

Cho tơ óng ả. Chị em nhà tằm

Tắm nước quanh năm. Giống nòi tôm cá

Loài vật hay quá. Bạn kể tiếp nha.

Gõ tiết tấu nhanh bài : CHO TÔI ĐI LÀM MƯA VỚI- Tác giả: Hoàng Hà

Cho tôi đi làm mưa với. Chị gió ơi chị gió ơi.
Tôi muốn cây được xanh lá, hoa lá được tốt tươi
Cho tôi đi làm mưa với, chị gió ơi chị gió ơi
Làm mưa giúp cho đời, không phí hoài rong chơi.

BÉ ĐÓN TẾT SANG

    Bé thấy mai vàng, biết sắp xuân sang, mang câu đối treo, chúc mừng năm mới.
Chiếc bánh chưng to, ngũ quả mâm tròn, đôi dưa hấu xanh, cúng đêm giao thừa.
    Bé chúc ông bà, trẻ mãi không già, ông khen bé ngoan lì xì tuổi mới.
Hứa với ba mẹ, mai sẽ vui xuân, đi xem múa lân, ô kìa pháo hoa.

                                               TRUYỆN THẦN KỲ CỦA MÙA XUÂN (sưu tầm)

         Từ tinh mơ, Gõ kiến đã thức dậy.Chú bay đi khắp khu rừng, gõ vào từng thân cây,báo một tin đăc biệt: “ Dậy! Dậy đi! Mùa xuân đến rồi!”. trên khắp cánh đồng, nàng xuân đang nhẹ nhàng bay đi bay lại, gieo những nụ mầm xanh, những bông hoa đỏ, vàng, hồng, trắng… khu rừng lúc này rực rỡ những sắc màu.

Nhưng không hiểu sao, bác Đào già ở chân núi lại không nghe thấy những lời loan báo của Gõ Kiến. Bác vẫn ngủ im lìm. Những cành đào khẳng khiu chẳng có lấy một nụ hoa, một chổi biếc. “Mùa xuân làm sao thiếu được hoa đào cơ chứ!”. Các bạn của bác Đào rất lo lắng: “Chúng ta phải làm gì để giúp bác ấy thôi!”.

Thế là các chú giun đất ra sức làm tơi xốp đất xung quanh rễ của bác Đào. Những giọt sương sớm dồn sức tưới cho bác Đào. Những chú ong mật bé nhỏ hát những bài ca vui tươi. Bác Đào già bừng tỉnh dậy. Bác vươn những cành khô gầy guộc, trơ trụi ra để đón những giọt sương quý giá và duỗi mạnh những cái rễ vào sâu trong lòng đất.

Phút chốc, bác Đào già cảm thấy thật khoan khoái và tràn đầy sinh lực. Những tia nắng ấm áp của ông Mặt trời vui tính rọi khắp khu rừng, không khí thật mát mẻ, trong lành.Những chiếc lá xanh, những nụ hồng xinh xắn bắt đẩu ló ra trên mình bác Đào già.

“Tuyệt quá! Tuyệt quá!”. Những người bạn của bác Đào già vui sướng xiết bao! Các chú chim hót líu lo, đàn ong mật bay đi bay lại hát bài hát quen thuộc và dòng suối róc rách, róc rách chảy… Tất cả tạo thành một bản nhạc tuyệt vời của mùa xuân.

Nhưng kìa! Sao trên dòng suối lại có những bông hoa đào đỏ thắm thế kia? Ồ! Thì ra bác Đào già đã thả những bông hoa đầu tiên xuống dòng suối. Bác Đào muốn nói với suối nhỏ: “Bạn suối ơi! Bạn hãy nhắn với cả khu rừng là bác Đào già ở chân núi đã có hoa nhé!”. Suối nhỏ đã nhanh chóng chuyển lời của bác Đào. Chẳng mấy chốc, cả khu rừng đã biết tin vui này. Ai cũng cho rằng đây đúng là chuyện thần kỳ của mùa xuân.